Phân loại B/L: Origin/ Copy, Liner/ Charter, Straight/ To order, House/ Master... > EximShark.Com

Phân loại B/L: Origin/ Copy, Liner/ Charter, Straight/ To order, House/ Master…

Việc phân loại B/L cho bạn biết cách thức thuê tàu, tính pháp lý, khả năng chuyển nhượng, tình trạng hàng lên tàu, cách thức thanh toán cước, người phát hành và cả cách nhận hàng tại cảng đến….

1.      Liner B/L & Charter Party B/L – Khác nhau giữa B/L tàu chợ và B/L tàu chuyến

Vận đơn tàu chợ (Liner B/L) được xem là một hợp đồng thuê tàu giữa người vận tải và người gửi hàng. Đặc biệt Vận đơn tàu chợ có chức năng là chứng từ sở hữu hàng hóa nên hoàn toàn được ngân hàng chấp nhận khi thanh toán bằng L/C.

Vận đơn tàu chuyến (Charter Party B/L) được phát hành trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng thuê tàu chuyến. Nó không thể hiện nghĩa vụ của các bên mà chỉ được xem như “phụ lục” của hợp đồng thuê tàu và luôn ghi rõ “theo hợp đồng thuê tàu – subject to … charter party”. Vận đơn tàu chuyến cũng chỉ được xem như là biên lai nhận hàng và không có chức năng là chứng từ sở hữu hàng hóa.

Xem thêm: VOYAGE/ LINER: Đi tàu chuyến hay tàu chợ?

2.      Original B/L & Copy B/L  – B/L bản gốc và bản sao

Vận đơn bản gốc (Original B/L) là vận đơn được ký bằng tay có thể có hoặc không có dấu “Original” và có thể mua bán, chuyển nhượng được.

Vận đơn bản sao (Copy B/L) là vận đơn bản phụ của vận đơn gốc, không có chữ ký tay, thường có dấu “Copy” và không giao dịch chuyển nhượng được.

3.      On Board B/L & Received for shipment B/L – Cách thể hiện việc xếp hàng lên tàu

Vận đơn đã xếp hàng (Shipped On Board Bill of Lading) là vận đơn được cấp sau khi hàng hóa đã thực sự được xếp lên tàu tại cảng bốc hàng. Trên vận đơn có ghi rõ ngày tháng giao hàng và tên tàu chuyên chở hàng hóa.

Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for shipment Bill of Lading) là vận đơn được cấp trước khi hàng hóa được xếp lên tàu, tức là hàng hóa thực tế chưa được xếp lên tàu.

4.      Straight B/L & To order B/L – Ai là người nhận hàng cuối cùng?

Vận đơn đích danh (Straight B/L) là vận đơn mà trên đó có ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng mà không có hoặc đã bị gạch/xóa chữ “or order” và chỉ có người nhận được ghi trên vận đơn mới được nhận hàng. Vận đơn đích danh là loại vận đơn không thể chuyển nhượng được (Non-negotiable).

Vận đơn theo lệnh (To order B/L) là vận đơn mà hàng hóa ghi trong vận đơn đó sẽ được giao theo lệnh của một người nào đó bằng cách ký hậu lên mặt sau của vận đơn.

Xem thêm: To order B/L là gì? Sử dụng Vận đơn theo lệnh như thế nào?

5.      Clean/ Unclean –  Vận đơn hoàn hảo, Vận đơn không hoàn hảo

Vận đơn hoàn hảo (Clean bill) còn gọi là vận đơn sạch là vận đơn mà trên đó không có những ghi chú xấu về tình trạng bên ngoài của hàng hóa. Muốn lấy được vận đơn hoàn hảo thì khi xếp lên tàu/ lên máy bay phải đảm bảo không bị hư hỏng, đổ vỡ, bao bì không bị rách, không bị ướt…

Vận đơn không hoàn hảo (Unclean bill) còn gọi là vận đơn không sạch là vận đơn trên đó có những ghi chú xấu về tình trạng bên ngoài của hàng hóa. Vận đơn không hoàn hảo không được ngân hàng phát hành L/C chấp nhận để thanh toán tiền hàng.

6.      Prepaid / Collect – Ai trả cước vận tải?

Freight Prepaid nghĩa là bên bán chịu trách nhiệm trả tiền cước cho hãng vận tải tại cảng bốc hàng/ sân bay đi (lô hàng được bán với điều kiện CIF hoặc các điều kiện quy định bên bán phải thuê vận tải).

Freight to Collect nghĩa là bên mua chịu trách nhiệm trả tiền cước cho hãng vận tải tại cảng dỡ hàng/ sân bay đến (lô hàng được bán với điều kiện FOB hoặc các điều kiện quy định bên mua thuê vận tải).

7.      Transhipment / Direct / Via – Chuyển tải trong vận tải quốc tế

Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng bằng một con tàu, tức là không phải chuyển tải dọc đường.

Vận đơn chuyển tải (Through B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng 2 hoặc nhiều con tàu của 2 hoặc nhiều người chuyên chở, tức là hàng hóa phải chuyển tải ở một cảng nào đó (Transshipment) trước khi đến cảng cuối cùng.

8.      House Bill / Master Bill ? – Phân biệt vận đơn nhà, Vận đơn chủ

Vận đơn nhà (House Bill) là vận đơn do Forwarder phát hành cho Shipper là người gửi hàng thực tế (real shipper) và người nhận hàng thực tế (real consignee).

Vận đơn chủ (Master Bill) là vận đơn do hãng tàu cấp cho người đứng tên trên vận đơn với tư cách là chủ hàng (Shipper).

Xem thêm: House Bill là gì? Master bill là gì? Tại sao phát sinh House Bill và Master Bill?


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *