House Bill là gì? Master bill là gì? Tại sao phát sinh House Bill và Master Bill? > EximShark.Com

House Bill là gì? Master bill là gì? Tại sao phát sinh House Bill và Master Bill?

Thật không may là trên 1 tờ vận đơn không bao giờ ghi rõ cụm từ “House Bill” hoặc “Master Bill” để cho chúng ta dễ phân biệt. Việc xác định 1 vận đơn là House Bill hay Master Bill tùy thuộc vào nội dung thông tin được thể hiện trên vận đơn, đặc biệt là nội dung mục Shipper và Consignee.

1.      House Bill là gì? / Master bill là gì?

Vận đơn nhà (House Bill) là vận đơn do Forwarder phát hành cho Shipper là người gửi hàng thực tế (real shipper) và người nhận hàng thực tế (real consignee). Cách nhận diện House Bill là bill này do công ty trung gian (Forwarder) phát hành và có in hình logo của Forwarder.

Vận đơn chủ (Master Bill) là vận đơn do người sở hữu phương tiện vận chuyển (hãng tàu/ hãng hàng không) cấp cho người đứng tên trên vận đơn với tư cách là chủ hàng (Shipper). Cách nhận diện Master Bill là trên vận đơn có thông tin hãng vận tải như Logo, tên công ty, số điện thoại, văn phòng hãng tàu/ hãng hàng không.

Lưu ý:

House Bill và Master Bill tồn tại trong cả vận tải biển và vận tải hàng không, do đó bạn sẽ gặp cả HB/L, MB/L và HAWB, MAWB khi làm việc thực tế nhé.

2.      Tại sao phát sinh House Bill và Master Bill?

Thông thường trong nghiệp vụ vận tải quốc tế bên bán hoặc bên mua có 2 cách để đặt booking cho một lô hàng xuất nhập khẩu: (i) Book trực tiếp hãng tàu/hãng hàng không: Bạn sẽ trả mọi chi phí cho hãng vận tải như tiền cước, phí Local charge… hoặc (ii) Book qua Forwarder: Bạn trả mọi chi phí cho Forwarder sau đó Forwarder sẽ trả lại hãng vận tải và giữ một phần lợi nhuận từ việc làm trung gian booking cho bạn.

Vì lý do cả bạn và Forwarder đều có thể booking với hãng vận tải nên trên vận đơn do hãng vận tải cấp xảy ra 2 trường hợp về người đứng tên trong ô Shipper và Consignee.

1. Shipper là người xuất khẩu thực tế (Real Shipper), Consignee là người nhập khẩu thực tế (Real Consignee). Trường hợp này không phát sinh House Bill mà lô hàng chỉ có 1 bộ bill duy nhất do hãng vận tải cấp.

2. Shipper là bên trung gian booking giúp bạn (Forwarder), Consignee là đại lý của Forwarder tại cảng đến (Forwarding Agent). Trường hợp này phát sinh House Bill do Forwarder cấp cho Real Shipper nên lô hàng có 2 bộ vận đơn – Master Bill do hãng vận tải cấp cho Forwarder và House Bill do Forwarder cấp cho người gửi hàng thực tế.

3.      Quy trình giao nhận với Master Bill và House Bill

1. Người xuất khẩu giao hàng cho Forwarder;

2. Forwarder giao hàng cho hãng tàu;

3. Hãng tàu phát hành Master Bill cho Forwarder; Forwarder gửi MBL này cho đại lý của mình ở cảng đến;

4. Forwarder phát hành House Bill cho người xuất khẩu;

5. Người xuất khẩu gửi Bộ chứng từ (bao gồm HBL) cho người nhập khẩu;

6. Trong khi đại lý của Forwarder ở cảng đến xuất trình MBL cho đại lỹ hãng tàu; Đại lỹ hãng tàu đồng ý giao hàng bằng cách cấp Lệnh giao hàng – D/O cho đại lý của Forwarder (còn gọi lại Master D/O); Đồng thời, người nhập khẩu xuất trình HBL cho đại lý của Forwarder;

7. Đại lý của Forwarder đồng ý giao hàng bằng cách cấp D/O cho người mua (còn gọi là House D/O);

4.      So sánh Master Bill và House Bill

Trên thực tế không có quy định nào bắt buộc Master Bill phải có những thông tin gì và House Bill phải có những thông tin gì. Tuy nhiên về cơ bản bạn có thể nhận biết mỗi loại bằng cách xem xét các thông tin được thể hiện trên vận đơn như sau:

1. Vận đơn nhà (House Bill) – Logo: In hình logo của công ty Forwarder, Shipper: Người xuất khẩu thực, Consignee: Người nhập khẩu thực, Thông tin nơi nhận hàng: House bill ghi nơi nhận hàng – Place of Delivery (kho bãi hoặc công ty Forwarder).

2. Vận đơn chủ (Master Bill) – Logo: In hình logo của hãng vận tải, Shipper: Forwarder book tàu, Consignee: Đại lý của Forwarder.

5.      Tạm kết

Như vậy bạn có thể hiểu rằng đối với 1 lô hàng nào đó có thể có 1 vận đơn (Master Bill) hoặc có 2 vận đơn (Master Bill và House Bill). Khi làm việc tại công ty Forwarder bạn sẽ thường xuyên gặp cả Master Bill và House Bill, nhưng khi làm việc cho công ty xuất nhập khẩu thì bạn thường chỉ làm việc với House Bill mà thôi.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *