[BÍ QUYẾT] trúng tuyển Nhân viên Xuất nhập khẩu
Sau khi đã lựa chọn một vài nhà tuyển dụng phù hợp bạn cần phân tích kỹ Yêu cầu tuyển dụng với mục đích tìm kiếm thông tin để đưa vào bản CV của mình. Việc phân tích chính là xác định xem bạn đạt bao nhiêu điểm trong các điều kiện để làm tốt công việc mà nhà tuyển dụng đang yêu cầu. Các thông tin cơ bản sau cần xác định được khi phân tích Yêu cầu tuyển dụng:
Mục lục
1. Kiến thức chuyên môn
Đầu tiên, hãy tự liệt kê tất cả các kiến thức về chuyên môn mà bạn có được bao gồm cả những phần nhà tuyển dụng yêu cầu (được nhắc đến trong Yêu cầu tuyển dụng) và cả những phần nhà tuyển dụng không yêu cầu (không thấy nhắc đến trong Yêu cầu tuyển dụng).
Việc làm này đảm bảo cho nội dung CV của bạn không những trình bày đầy đủ các yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra mà còn đề cập cả những phần khả năng khác. Nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy bạn không những phù hợp với công việc hiện tại mà còn sẵn sàng đáp ứng nếu công việc trong tương lai có những yêu cầu mới.
Ví dụ:
ĐƯỢC YÊU CẦU:
- – Tìm kiếm đối tác
- – Khai báo hải quan
Từ những thông tin được đưa ra, bạn phát triển thêm các yêu cầu về mặt kiến thức chuyên môn phải có để đáp ứng được yêu cầu công việc đó:
KHÔNG ĐƯỢC YÊU CẦU:
- – Tính toán chi phí xuất nhập khẩu (cần thiết phải biết trong quá trình tìm kiếm đối tác để đưa ra lựa chọn đối tác phù hợp nhất)
- – Mã loại hình xuất nhập khẩu (bắt buộc phải biết để khai báo đúng mục đích xuất nhập khẩu cho từng lô hàng).
2. Hiểu biết về ngành hàng
Rất ít ứng viên có sự chuẩn bị cho hiểu biết về ngành hàng mà nhà tuyển dụng đang kinh doanh nên bạn sẽ trở thành một ứng viên thực sự ấn tượng nếu làm được điều này. Để nắm bắt được ngành hàng mà nhà tuyển dụng đang kinh doanh bạn cần truy cập website của họ và tìm hiểu kỹ càng mọi thông tin: xuất khẩu hay nhập khẩu; mặt hàng kinh doanh là gì; tự sản xuất để xuất khẩu hay thu mua; nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hay để phân phối…
Ví dụ:
HÀNG HÓA GÌ?
- – Nhập khẩu thép phế liệu
- – Xuất khẩu thép thành phẩm …
Với những hàng hóa đó, doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nhập khẩu nhằm mục đích gì (điều này quyết định rất nhiều đến độ khó của công việc mà bạn sẽ đảm nhiệm trong tương lai đặc biệt là khâu khai báo hải quan).
QUY ĐỊNH PHÁP LÝ?
- – Nhập nguyên liệu để sản xuất (nhập thép phế liệu để gia công lại thành thép mới cần những hồ sơ, chứng từ gì, thuế được tính toán và nộp như thế nào?)
- – Xuất bán thành phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu (xuất khẩu thép mới được gia công từ thép phế liệu đã nhập khẩu cần mở tờ khai ở đâu, tính định mức nguyên vật liệu như thế nào?).
Tiếp theo, bạn cần nghiên cứu các quy định pháp lý về việc xuất nhập khẩu hàng hóa đó mặc dù việc này thường không được nhà tuyển dụng nhắc đến trong Yêu cầu công việc. Lúc này bạn đã tiến thêm một bước để chứng tỏ với nhà tuyển dụng mức độ quan tâm của bạn đối với công ty họ. Ngoài ra bạn còn cho họ biết không phải bạn chỉ có kiến thức cơ bản rời rạc về nghiệp vụ Xuất nhập khẩu mà bạn thực sự am hiểu cách xuất khẩu hoặc nhập khẩu mặt hàng mà họ kinh doanh.
Xem thêm: [FULL] Quy trình xuất nhập khẩu 1 lô hàng từ A đến Z
3. Kỹ năng làm việc cần có
Xem xét tất cả các kỹ năng mà bạn có và đối chiếu với bản Mô tả công việc, cố gắng đọc nhiều Yêu cầu tuyển dụng của nhiều công ty khác nhau để nắm được toàn bộ kỹ năng cần thiết cho các vị trí khác nhau trong ngành Xuất nhập khẩu.
Ví dụ:
YÊU CẦU CÔNG VIỆC:
- – Tìm kiếm đối tác mới
- – Giao dịch, đàm phán với đối tác
- – Soạn thảo hợp đồng, chứng từ
- – Làm thủ tục hải quan
Bạn cần xác định được với mỗi yêu cầu công việc được nhà tuyển dụng đưa ra thì cần kỹ năng nào để thực hiện được yêu cầu đó, cần ở mức độ nào và hiện tại bạn đã đáp ứng được ở mức độ nào.
KỸ NĂNG LÀM VIỆC:
- – Thành thạo sử dụng keyword (để tìm kiếm với google)
- – Thành thạo Outlook (để giao dịch qua Email hiệu quả)
- – Thành thạo Excel (không phải Word) (để soạn thảo bộ chứng từ nhanh chóng)
- – Thành thạo ECUS-VNACCS (để khai báo nhanh tờ khai hải quan)
Việc đưa ra các kỹ năng tương ứng với từng yêu cầu công việc sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự biết phải làm công việc này như thế nào, bằng cách nào và họ sẽ hoàn toàn tin tưởng là bạn làm được công việc theo yêu cầu.
Xem thêm: {TIPS} 4 kỹ năng làm Xuất nhập khẩu giỏi từ góc nhìn của người nhiều năm kinh nghiệm
4. Tạm kết
Như vậy 1 ứng viên hoàn hảo sẽ đáp ứng đủ cả 3 yếu tố (kiến thức chuyên môn, hiểu biết về ngành hàng, kỹ năng làm việc). Tuy nhiên nếu chưa từng học Xuất nhập khẩu hoặc chưa có kinh nghiệm thực tế thì bạn hãy cố gắng phát huy điểm mạnh của mình ở 1 trong 3 yếu tố trên để nhà tuyển dụng không thể từ chối bạn nhé.