T/T là gì? Quy trình Chuyển tiền trong xuất nhập khẩu > EximShark.Com

T/T là gì? Quy trình Chuyển tiền trong xuất nhập khẩu

T/T được sử dụng phổ biến đối với các thương vụ giá trị thấp hoặc với các đối tác có độ tin cậy cao (đối tác lớn và uy tín hoặc đối tác lâu dài… ), khi chuyển tiền ngân hàng chỉ tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán và thu phí.

1.      Các bên tham gia thực hiện T/T

Định nghĩa: Chuyển tiền (Remittance) là phương thức trong đó người nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho người xuất khẩu tại một thời điểm nào đó. Chuyển tiền bằng điện (Telegraphic Transfer – T/T hoặc TTR) là hình thức chuyển tiền trong đó lệnh thanh toán của Ngân hàng chuyển tiền được gửi bằng điện TELEX hay mạng SWIFT.

  1. Người trả tiền (Remitter): Người nhập khẩu
  2. Người hưởng lợi (Beneficiary): Người xuất khẩu
  3. Ngân hàng chuyển tiền (Remitting Bank): Ngân hàng phục vụ người nhập khẩu
  4. Ngân hàng trả tiền (Paying Bank): Ngân hàng phục vụ người xuất khẩu, là ngân hàng đại lý hay chi nhánh của Ngân hàng chuyển tiền.

2.      Các thời điểm thanh toán bằng T/T

a.      Tạm ứng (sau khi đặt hàng) – Deposit

Đối với thương vụ đầu tiên giữa hai bên (giá trị thương vụ chưa quá lớn) thì bên xuất khẩu thường yêu cầu bên nhập khẩu phải tạm ứng để có cơ sở tiến hành thu mua/ sản xuất hàng hóa. Nếu khéo đàm phán bên nhập khẩu có thể đề nghị chỉ tạm ứng 50% hoặc thậm chí 30%, phần còn lại sẽ chuyển tiền trước khi giao hàng.

b.      Ngay trước khi giao hàng – Before shipment

Bên nhập khẩu tiến hành chuyển tiền nốt phần còn lại (nếu đã tạm ứng 1 phần) của giá trị hợp đồng để bên xuất khẩu giao hàng. Nếu hai bên tiếp tục giao dịch thì đến thương vụ thứ 2 bên nhập khẩu có thể đàm phán thanh toán 100% trước khi giao hàng (mà không phải tạm ứng như thương vụ đầu tiên).

c.      Ngay sau khi giao hàng (trước khi bên bán gửi chứng từ gốc cho bên mua) – After shipment

Trường hợp bên nhập khẩu đặt 1 đơn hàng với giá trị đáng kể và không chấp nhận chuyển tiền trước giao hàng (do chưa tin tưởng bên xuất khẩu) thì bên xuất khẩu có thể đề nghị giao hàng trước và giữ bộ chứng từ cho đến khi bên nhập khẩu thanh toán thì mới giao chứng từ cho bên nhập khẩu (bên nhập khẩu chỉ có thể nhận được hàng khi có bộ chứng từ trong tay).

Trong trường hợp xấu nếu bên nhập khẩu không thanh toán thì bên xuất khẩu vẫn đang kiểm soát lô hàng (do bên xuất khẩu vẫn đang giữ bộ chứng từ) và có thể cho hàng quay lại nước xuất khẩu hoặc bán lại lô hàng cho một người nhập khẩu mới ngay tại nước nhập khẩu đó.

d.      Trả chậm (nợ trong 30, 60, 90 ngày sau ngày giao hàng) – Deferred

Nếu bên nhập khẩu trở thành đối tác tin cậy và thường xuyên của bên xuất khẩu hoặc bên nhập khẩu đơn giản là công ty con (công ty trong cùng tập đoàn) đối với bên xuất khẩu thì việc thanh toán chậm thường xuyên được áp dụng.

3.      Quy trình chuyển tiền

Người xuất khẩu giao hàng và gửi bộ chứng từ gốc cho người nhập khẩu trước khi làm Lệnh chuyển tiền (nếu hợp đồng quy định T/T sau khi giao hàng) hoặc gửi bộ chứng từ gốc cho người nhập khẩu sau khi làm Lệnh chuyển tiền (nếu hợp đồng quy định T/T trước khi giao hàng).

Quy trình:

  1. Người nhập khẩu làm Lệnh chuyển tiền gửi đến ngân hàng phục vụ mình (nếu không tự có ngoại tệ để chuyển tiền, người nhập khẩu thường phải làm thêm Hợp đồng mua bán ngoại tệ để mua ngoại tệ từ ngân hàng);
  2. Ngân hàng của người nhập khẩu chuyển tiền đến Ngân hàng của người xuất khẩu để trả cho người xuất khẩu (Thông điệp được gửi đi từ ngân hàng của người nhập khẩu đến ngân hàng của người xuất khẩu gọi là Điện chuyển tiền – T/T slip);
  3. Ngân hàng của người xuất khẩu ghi CÓ vào tài khoản người xuất khẩu.

4.      Tạm kết

Dễ nhận thấy thanh toán bằng T/T là phương thức đơn giản nhất, để giảm thiểu rủi ro hai bên phải cố gắng ràng buộc giữa việc giao hàng và việc thanh toán càng nhiều càng tốt. Cũng vì thế phương thức Chuyển tiền tương đối kém an toàn và dễ bị thay thế bằng D/A, D/P hoặc L/C khi giá trị thương vụ tăng lên.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *