To order B/L là gì? Sử dụng Vận đơn theo lệnh như thế nào? > EximShark.Com

To order B/L là gì? Sử dụng Vận đơn theo lệnh như thế nào?

Trong mọi trường hợp, bản chất của To order B/L là ràng buộc quyền sở hữu lô hàng để đảm bảo việc thanh toán phải xảy ra. Hành động ràng buộc này có thể do shipper thực hiện, do ngân hàng mở L/C thực hiện hoặc do chính consignee thực hiện. Để nắm rõ hơn, bạn theo dõi phân tích chi tiết của mình ở phía dưới nhé.

1.      To order B/L là gì?

Vận đơn theo lệnh (To order B/L) là vận đơn mà hàng hóa ghi trong vận đơn đó sẽ được giao theo lệnh của một người nào đó bằng cách ký hậu lên mặt sau của vận đơn.

Lưu ý:

Vận đơn theo lệnh chỉ tồn tại đối với B/L (vận đơn có chức năng là chứng từ sở hữu hàng hóa), không tồn tại Vận đơn theo lệnh đối với AWB, cũng không tồn tại việc ký hậu AWB bạn nhé.

2.      Các trường hợp sử dụng To order B/L

2.1.      To order of importer: Khi consignee ràng buộc lô hàng

Vận đơn theo lệnh của một người nhận hàng, mục “Consignee” trên vận đơn sẽ ghi: “To order of… [ghi rõ tên, địa chỉ và số điện thoại của importer]“.

Ví dụ:

Trường hợp công ty xuất khẩu A ở Việt Nam bán hàng cho công ty nhập khẩu B ở Singapore, B lại bán cho một công ty C cũng ở Singapore. B muốn C nhận hàng trực tiếp ở cảng nên yêu cầu A ghi mục Consignee: “To order of B” còn C là được ghi ở mục Notify Party.

Khi hàng đến, C phải được B ký hậu lên vận đơn thì C mới đến hãng tàu nhận hàng được (thường C phải thanh toán tiền hàng cho B xong thì B mới ký hậu chuyển nhượng B/L).

2.2.      To order of shipper: Khi shipper ràng buộc lô hàng

Vận đơn theo lệnh của người gửi hàng (theo lệnh để trắng), mục “Consignee” trên vận đơn sẽ ghi “To order of shipper” hoặc chỉ ghi “To order” hoặc “hoàn toàn để trống” không ghi bất cứ thông tin gì.

Ví dụ:

Trường hợp công ty nhập khẩu B không muốn chuyển tiền trả trước vì sợ công ty xuất khẩu A sẽ không giao hàng sau khi nhận tiền. Ngược lại công ty xuất khẩu A cũng không muốn giao hàng trước vì sợ công ty nhập khẩu B không trả tiền sau khi nhận hàng.

Lúc này A đề xuất phương án giao hàng nhưng chưa cho B quyền nhận hàng bằng cách sử dụng vận đơn theo lệnh của Shipper (việc này giúp A vẫn bảo toàn quyền sở hữu của mình đối với lô hàng mặc dù hàng đã lên tàu và đi đến nước nhập khẩu).

Công ty xuất khẩu A gửi vận đơn qua email cho công ty nhập khẩu B để chứng minh hàng đã được giao. Lúc này B có thể xác minh thông tin về lô hàng với hãng tàu và tiến hành chuyển tiền thanh toán cho A. Sau khi nhận tiền, công ty xuất khẩu A sẽ ký hậu bộ vận đơn gốc để chuyển quyền nhận hàng cho công ty nhập khẩu B và gửi toàn bộ vận đơn gốc cho B.

Trong tình huống xấu nhất công ty nhập khẩu B đột xuất không muốn nhận hàng nữa và không thanh toán cho công ty xuất khẩu A thì A có thể tìm nhanh công ty C cũng ở nước nhập khẩu với B và đàm phán để bán lại lô hàng này cho C bằng cách ký hậu vận đơn.

2.3.      To order of a issuing bank: Khi ngân hàng mở L/C ràng buộc lô hàng

Vận đơn theo lệnh của Ngân hàng phát hành L/C, mục “Consignee” trên vận đơn sẽ ghi “To order of [ghi rõ tên Ngân hàng mở L/C]“.

Ví dụ:

Công ty xuất khẩu A sau khi nhận được L/C do ngân hàng của công ty nhập khẩu B phát hành thì tiến hành giao hàng và sử dụng vận đơn theo lệnh của ngân hàng mở L/C (việc sử dụng L/C này là do ngân hàng mở L/C yêu cầu).

Khi hàng đến nước nhập khẩu, công ty B phải tiến hành các thủ tục thanh toán cho ngân hàng thì lúc này ngân hàng mở L/C mới ký hậu vận đơn để chuyển quyền nhận hàng cho công ty B (việc này nhằm đảm bảo ngân hàng không có rủi ro trong việc thu tiền hàng từ B và thanh toán cho A).

3.      Các cách ký hậu chuyển nhượng To order B/L

Ký hậu B/L (Endorsement) là việc chủ hàng ký vào mặt sau B/L gốc, nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu đối với lô hàng ghi trên vận đơn.

3.1.      Straight Endorse: Ký hậu đích danh

Người ký hậu sẽ ký và đóng dấu vào mặt sau của vận đơn trong đó câu lệnh ghi đích danh tên của người được nhận hàng “Delivery to … – Giao hàng cho…” Như vậy sau khi ký hậu thì vận đơn này từ B/L theo lệnh trở thành B/L đích danh. Sử dụng cách ký hậu này khi đã xác định được người nhận hàng cuối cùng và không có nhu cầu tiếp tục chuyển nhượng lô hàng nữa.

Ví dụ:

  • Shipper:                 A
  • Consignee:           To order of B
  • Endorsement:       “Delivery to C”

Trong tình huống người ký hậu không có người nhận hàng tiếp theo do không chuyển nhượng lô hàng mà bất đắc dĩ chính mình lại là người nhận hàng thực sự thì chỉ cần ký và đóng đấu mà không ghi câu lệnh hoặc có thể ghi câu lệnh “Delivery to myself – Giao hàng cho chính tôi” .

3.2.       To order Endorse: Ký hậu theo lệnh

Người ký hậu sẽ ký và đóng dấu vào mặt sau của vận đơn trong đó câu lệnh ghi “Delivery to order of …. – Giao hàng theo lệnh của…“. Như vậy, sau khi  ký hậu thì B/L theo lệnh này vẫn tiếp tục là B/L theo lệnh và có thể tiếp tục chuyển nhượng bằng cách ký hậu thêm 1 lần nữa. Sử dụng cách ký hậu này khi chưa xác định được người nhận hàng cuối cùng vì người được ký hậu tiếp tục có nhu cầu chuyển nhượng lô hàng.

Ví dụ:

  • Shipper:                 A
  • Consignee:           To order of B
  • Endorsement 1:    “Delivery to order of C”
  • Endorsement 2:    “Delivery to order of D”
  • Endorsement N:    “Delivery to order of X”

Trong tình huống người ký hậu không có người nhận hàng tiếp theo do không chuyển nhượng lô hàng mà bất đắc dĩ chính mình lại là người nhận hàng thực sự thì chỉ cần ký và đóng đấu mà không ghi câu lệnh hoặc có thể ghi câu lệnh “Delivery to myself – Giao hàng cho chính tôi” .

3.3.       Blank Endorse: Ký hậu để trống

Người ký hậu chỉ ký và đóng dấu vào mặt sau của vận đơn nhưng không ghi câu lệnh kèm theo. Việc ký hậu này cho phép bất kỳ người nào cầm vận đơn sau khi đã được ký hậu đều có quyền nhận hàng. Đây là cách đơn giản hóa của việc ký hậu đích danh khi người ký hậu chỉ muốn ký và đóng dấu mà không muốn mất thời gian ghi thông tin chi tiết của người được ký hậu.

4.      Tạm kết

Dù trong trường hợp ai ràng buộc lô hàng thì bạn cần hiểu rằng chúng ta chỉ sử dụng đến vận đơn theo lệnh khi giá trị lô hàng là đáng kể đối với bên xuất khẩu và bên nhập khẩu; vì vậy khi không cần thiết phải ràng buộc lô hàng thì không cần sử dụng To order B/L.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *