L/C là gì? Quy trình thanh toán L/C trong xuất nhập khẩu > EximShark.Com

L/C là gì? Quy trình thanh toán L/C trong xuất nhập khẩu

Bản chất của việc thanh toán bằng L/C là người nhập khẩu mượn uy tín của ngân hàng (tín dụng) để thuyết phục người xuất khẩu giao hàng; sau đó người xuất khẩu đòi tiền ngân hàng dựa trên các bằng chứng (chứng từ) chứng minh mình đã hoàn thành trách nhiệm.

1.      Các bên tham gia thực hiện L/C

Định nghĩa: Tín dụng chứng từ (Documentary Credit) là phương thức trong đó theo yêu cầu của người nhập khẩu, ngân hàng sẽ phát hành một Thư tín dụng (Letter of Credit – L/C), trong đó ngân hàng cam kết thanh toán khi người xuất khẩu xuất trình được bộ chứng từ phù hợp với những điều kiện đã quy định trong Thư tín dụng.

  1. Người yêu cầu phát hành (Applicant): Người nhập khẩu hoặc là người nhập khẩu ủy thác cho một người khác.
  2. Ngân hàng phát hành (Issuing Bank): Ngân hàng phục vụ cho người nhập khẩu.
  3. Người hưởng lợi (Beneficiary): Người xuất khẩu hay bất cứ người nào khác mà người hưởng lợi chỉ định.
  4. Ngân hàng thông báo (Advising Bank): Ngân hàng thực hiện thông báo L/C (thường là ngân hàng phục vụ cho người xuất khẩu).
  5. Ngân hàng được chỉ định (Nominated Bank): Ngân hàng được ngân hàng phát hành chỉ định làm một công việc cụ thể nào đó (thường là thương lượng chiết khấu hoặc thanh toán bộ chứng từ).
  6. Ngân hàng xác nhận (Confirming Bank):  Ngân hàng thực hiện xác nhận L/C (thường chính là Ngân hàng thông báo).
  7. Ngân hàng chiết khấu (Negotiating Bank): Ngân hàng thực hiện chiết khấu bộ chứng từ theo đề nghị của người hưởng lợi.

2.      Các thời điểm thanh toán bằng L/C

Không giống như thanh toán bằng T/T, việc thanh toán bằng L/C chỉ xảy ra sau khi người xuất khẩu đã giao hàng với hai thời điểm cụ thể như sau:

a.      L/C trả ngay (L/C at sight)

Sau khi giao hàng, bên xuất khẩu thực hiện việc xuất trình bộ chứng từ tới ngân hàng phát hành L/C để yêu cầu thanh toán. Ngân hàng thanh toán ngay khi nhận được bộ chứng từ xuất trình phù hợp theo các điều kiện của L/C.

b.      L/C trả chậm 30, 60, 90… ngày (Deferred L/C)

Sau khi giao hàng, bên xuất khẩu thực hiện việc xuất trình bộ chứng từ tới ngân hàng phát hành L/C để yêu cầu thanh toán. Ngân hàng thanh toán sau 30, 60, 90 ngày… kể từ ngày giao hàng hoặc kể từ ngày nhận được bộ chứng từ xuất trình phù hợp theo các điều kiện của L/C.

3.      Quy trình thực hiện L/C

Với việc thanh toán bằng L/C, trách nhiệm giao hàng là của người xuất khẩu còn trách nhiệm thanh toán cho người xuất khẩu đã chuyển từ người nhập khẩu sang ngân hàng mở L/C.

Quy trình:

  1. Người nhập khẩu làm Đơn yêu cầu mở L/C gửi ngân hàng phục vụ mình dựa trên các điều khoản của Hợp đồng ngoại thương (kèm theo việc chuẩn bị khoản Ký quỹ khoản đảm bảo để mở L/C);
  2. Ngân hàng phát hành L/C và gửi tới ngân hàng nước xuất khẩu (Ngân hàng thông báo);
  3. Ngân hàng thông báo kiểm tra L/C, nếu L/C là chân thật thì thông báo L/C cho người xuất khẩu; Người xuất khẩu kiểm tra L/C, nếu có sai sót thì yêu cầu người nhập khẩu sửa đổi.
  4. Người xuất khẩu tiến hành giao hàng theo điều kiện đã được quy định trong L/C;
  5. Người xuất khẩu lập Bộ chứng từ theo quy định của L/C và gửi chứng từ tới ngân hàng phục vụ mình (thường là ngân hàng thông báo);
  6. Ngân hàng của người xuất khẩu xuất trình chứng từ cho ngân hàng mở L/C để yêu cầu thanh toán tiền; Ngân hàng phát hành L/C kiểm tra Bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp theo quy định của L/C thì tiến hành thanh toán, ngược lại thì từ chối thanh toán;
  7. Ngân hàng phát hành trao chứng từ cho người nhập khẩu dựa trên khoản ký quỹ mở L/C ban đầu;

4.      Tạm kết

Để thể hiện được ưu điểm của mình thì trước tiên L/C phải là một cam kết không hủy ngang (Irrevocable) của ngân hàng dành cho người xuất khẩu. Cũng vì thế phương thức Tín dụng chứng từ là an toàn nhất đối với người xuất khẩu trong thanh toán quốc tế.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *