Quy tắc xuất xứ là gì? ROO theo GSP/ FTA/ MFN cụ thể như thế nào? > EximShark.Com

Quy tắc xuất xứ là gì? ROO theo GSP/ FTA/ MFN cụ thể như thế nào?

Nếu chỉ có 1 quốc gia tham gia vào việc sản xuất hàng hóa, thì việc xác định quốc gia xuất xứ là khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu có nhiều hơn 1 quốc gia tham gia sản xuất, phải có 1 quy tắc để xác định quốc gia nào là nguồn gốc của hàng hóa – đó chính là quy tắc xuất xứ.

1.      Quy tắc xuất xứ là gì?

Quy tắc xuất xứ (Rules of Origin – ROO) là tập hợp các tiêu chí xuất xứ cần thiết nhằm đảm bảo xác định được nguồn gốc của hàng hóa. Quy tắc xuất xứ được hiểu như quy tắc xác định quốc tịch của hàng hóa, giúp cơ quan hải quan xác định được hàng hóa đến từ đâu và được áp dụng nhằm các mục đích như: xác định mức thuế ưu đãi, áp dụng thuế chống bán phá giá…

Ví dụ:

  • Hàng hóa xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại ACFTA.
  • Mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam đang áp dụng biện pháp tự vệ đối với 1 số lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…

2.       Quy tắc xuất xứ ưu đãi (Preferential Rules of Origin)

Quy tắc xuất xứ này tập hợp các tiêu chí được thiết kế nhằm đảm bảo hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan FTA nếu tuân thủ các quy định về xuất xứ áp dụng với hàng hóa trong FTA đó. Hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi sẽ được cấp C/O ưu đãi hoặc Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi – là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để được hưởng ưu đãi thuế quan FTA, từ đó sẽ kích thích việc tìm kiếm và sản xuất nguyên phụ liệu, hàng hóa trong phạm vi FTA.

31/2018/NĐ-CP Quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu          08/03/2018

Điều 3. Giải thích từ ngữ

2. Quy tắc xuất xứ ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có cam kết hoặc thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan.

a.      Ưu đãi đơn phương (theo GSP)

Là ưu đãi thuế quan mà các nền kinh tế phát triển (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU,…) dành cho các nền kinh tế đang phát triển hoặc kém phát triển (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Băng-lađét,…). Đây là ưu đãi một chiều và không phải là kết quả của đàm phán, do vậy khi các nền kinh tế phát triển (A) đánh giá một nền kinh tế đang hoặc kém phát triển (B) đã trưởng thành tương đối trong một số ngành hàng cụ thể, A có thể sẽ rút lại các ưu đãi thuế quan đã dành cho (B).

b.      Ưu đãi song phương (theo FTA song phương)

Là kết quả của quá trình đàm phán các FTA hoặc các thỏa thuận thương mại song phương. Việt Nam hiện đang có các FTA song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Chi-lê. Nếu coi ASEAN hoặc EAEU – Liên minh Kinh tế Á Âu là một thị trường thống nhất, thì cũng có thể coi ACFTA là Hiệp định song phương giữa 1 bên là ASEAN và 1 bên là Trung Quốc. FTA giữa Việt Nam và EU cũng có thể coi là 1 FTA song phương giữa 1 bên là Việt Nam và một bên là thị trường chung thống nhất của thành viên EU;

c.      Ưu đãi đa phương (theo FTA đa phương)

Là kết quả của quá trình đàm phán các FTA hoặc các thỏa thuận thương mại bao gồm nhiều hơn 2 bên thành viên. TPP hoặc RCEP là những FTA đa phương với nhiều bên thành viên tham gia đến từ các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau.

3.      Quy tắc xuất xứ không ưu đãi (Non-preferential Rules of Origin)

Là các quy định về xuất xứ trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi như đối xử tối huệ quốc (MFN), áp dụng thuế chống bán phá giá, áp dụng thuế chống trợ cấp, áp dụng thuế tự vệ, áp dụng hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại. Quy tắc xuất xứ này không được hưởng các ưu đãi về thuế quan.

31/2018/NĐ-CP Quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu          08/03/2018

Điều 3. Giải thích từ ngữ

3. Quy tắc xuất xứ không ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa ngoài quy định tại Khoản 2 Điều này và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại.

4.      Tạm kết

Như vậy khi xuất nhập khẩu 1 lô hàng bạn phải kiểm tra xem có quy tắc xuất xứ nào được áp dụng cho hàng hóa giữa vùng lãnh thổ xuất khẩu và vùng lãnh thổ nhập khẩu hay không. Từ quy tắc xuất xứ đó quyết định mẫu C/O sẽ được cấp cho lô hàng và mức thuế ưu đãi mà lô hàng được áp dụng trong quá trình là thủ tục hải quan.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *