Giá FOB là gì? Giá CIF là gì? Xuất FOB nhập CIF hay ngược lại? > EximShark.Com

Giá FOB là gì? Giá CIF là gì? Xuất FOB nhập CIF hay ngược lại?

Giá FOB và giá CIF là 2 khái niệm mà bạn sẽ gặp phải trong các bài viết/ câu hỏi hoặc bài tập gần như ngay khi bắt đầu tìm hiểu về nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Vậy thật ra giá FOB là gì, giá CIF là gì, chúng quy định trách nhiệm của người xuất khẩu và người nhập khẩu như thế nào?

Giá FOB là gì?

FOB là viết tắt của Free on Board, là 1điều kiện thuộc Incoterms 2020 (bộ điều kiện thương mại quốc tế được sử dụng rộng rãi bởi mọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu). Nó cũng là 1 điều điều kiện phổ biến của các phiên bản Incoterms trước đó.

Theo định nghĩa, điều kiện FOB quy định nếu công ty xuất khẩu và công ty nhập khẩu ký hợp đồng mua bán 1 lô hàng với giá FOB nghĩa là:

  1. Hai bên xuất khẩu và nhập khẩu sẽ lấy boong tàu (tàu biển chở hàng) làm điểm chuyển giao rủi ro đối với lô hàng từ người xuất khẩu sang người nhập khẩu;
  2. Hai bên xuất khẩu và nhập khẩu cũng lấy boong tàu tại cảng đi làm điểm phân chia chi phí phải trả cho lô hàng; cụ thể: mọi chi phí phát sinh trước khi hàng đặt trên boong tàu tại cảng đi do người xuất khẩu chịu và mọi chi phí phát sinh sau khi hàng đặt trên boong tàu tại cảng đi do người nhập khẩu chịu.

Ví dụ hợp đồng giá FOB

Công ty A (Việt Nam) xuất khẩu lô hàng giày da cho công ty B (Mỹ) theo giá FOB và hàng sẽ lên tàu ở cảng Hải Phòng, trách nhiệm và nghĩa vụ của 2 bên sẽ được phân chia như sau:

  1. Rủi ro đối với lô hàng sẽ được chuyển giao từ công ty Việt Nam sang cho công ty Mỹ khi hàng được đặt an toàn trên boong tàu tại cảng Hải Phòng (để chuẩn bị được vận tải đến Mỹ). Nếu trên đường vận tải con tàu gặp bão dẫn đến lô hàng bị thiệt hại thì công ty Mỹ phải tự chịu trách nhiệm về mất mát đó dù cho lô hàng chưa hề đến Mỹ.
  2. Chi phí phải trả cho lô hàng được phân chia cũng tại thời điểm hàng được đặt an toàn trên boong tàu tại cảng Hải Phòng (để chuẩn bị được vận tải đến Mỹ). Công ty Việt Nam chi trả các phí như thuế xuất khẩu, tiền thuê xe chở hàng từ nhà máy ra cảng, phí bốc hàng lên tàu…, công ty Mỹ chi trả các phí như thuế nhập khẩu, tiền cước vận tải biển, phí bảo hiểm nếu có mua, tiền thuê xe chở hàng từ cảng đến ở Mỹ tới kho nhập khẩu…

Giá CIF là gì?

CIF là viết tắt của Cost, Insurance and Freight cũng là 1 điều kiện Incoterms 2020 được nhắc đến nhiều tương đương với FOB. Theo định nghĩa, điều kiện CIF quy định nếu công ty xuất khẩu và công ty nhập khẩu ký hợp đồng mua bán 1 lô hàng với giá CIF nghĩa là:

  1. Hai bên xuất khẩu và nhập khẩu sẽ lấy boong tàu (tàu biển chở hàng) làm điểm chuyển giao rủi ro đối với lô hàng từ người xuất khẩu sang người nhập khẩu;
  2. Hai bên xuất khẩu và nhập khẩu lấy boong tàu tại cảng đến làm điểm phân chia chi phí phải trả cho lô hàng; cụ thể: mọi chi phí phát sinh trước khi hàng đặt trên boong tàu tại cảng đến do người xuất khẩu chịu và mọi chi phí phát sinh sau khi hàng đặt trên boong tàu tại cảng đến do người nhập khẩu chịu. Ngoài ra, điều kiện CIF quy định người xuất khẩu có trách nhiệm mua bảo hiểm và phải trả phí bảo hiểm cho lô hàng.

Ví dụ hợp đồng giá CIF

Công ty A (Việt Nam) xuất khẩu lô hàng giày da cho công ty B (Mỹ) theo giá CIF và hàng sẽ lên tàu ở cảng Hải Phòng, trách nhiệm và nghĩa vụ của 2 bên sẽ được phân chia như sau:

  1. Rủi ro đối với lô hàng sẽ được chuyển giao từ công ty Việt Nam sang cho công ty Mỹ khi hàng được đặt an toàn trên boong tàu tại cảng Hải Phòng (để chuẩn bị được vận tải đến Mỹ). Nếu trên đường vận tải con tàu gặp bão dẫn đến lô hàng bị thiệt hại thì công ty Mỹ phải tự làm việc với công ty bảo hiểm để được bồi thường dù cho người mua bảo hiểm là công ty Việt Nam.
  2. Chi phí phải trả cho lô hàng được phân chia tại thời điểm hàng được đặt an toàn trên boong tàu tại cảng đến ở Mỹ. Công ty Việt Nam chi trả các phí như thuế xuất khẩu, tiền thuê xe chở hàng từ nhà máy ra cảng, phí bốc hàng lên tàu, cước vận tải biển.., công ty Việt Nam phải mua bảo hiểm cho lô hàng và trả phí bảo hiểm này, công ty Mỹ chi trả các phí như thuế nhập khẩu, tiền thuê xe chở hàng từ cảng đến ở Mỹ tới kho nhập khẩu…

Tạm kết

FOB và CIF là 2 điều kiện phổ biến nhất của Incoterms và được sử dụng thường xuyên trong các hợp đồng xuất nhập khẩu. Đặc biệt xảy ra tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam rất thích xuất khẩu theo giá FOB và nhập khẩu theo giá CIF do cả 2 trường hợp này đều quy định ít nghĩa vụ của doanh nghiệp Việt Nam đối với lô hàng.

Tuy nhiên nếu hiểu sâu sắc hơn về nghiệp vụ xuất nhập khẩu doanh nghiệp nên cân nhắc lại việc sử dụng giá FOB và giá CIF. Nếu có đủ điều kiện và khả năng, bạn nên giành quyền thuê tàu và mua bảo hiểm (nghĩa là nên xuất theo giá CIF và nhập theo giá FOB) để tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro trong giao dịch xuất nhập khẩu.


4 thoughts on “Giá FOB là gì? Giá CIF là gì? Xuất FOB nhập CIF hay ngược lại?

  1. Dear ad,
    Mình phần không hiểu rõ về phần giá CÌF cho lắm, vì theo Incoterm thì điểm chuyển giao rủi ro là ở trên boong tàu nhưng điểm chuyển giao chi phí là ở cảng nước nhập khẩu. Delivery Point khác với Named Place.
    Vậy tại sao trong phần ví dụ giá CIF, ad nói ‘công ty Mỹ chi trả các phí như thuế nhập khẩu, tiền cước vận tải biển’.
    Mình mới tìm hiểu về XNK nên có thể do mình hiểu không rõ, ad có thể giải thích giúp mình được không ạ?

  2. Giá CIF

    “Hai bên xuất khẩu và nhập khẩu cũng lấy boong tàu làm điểm phân chia chi phí phải trả cho lô hàng; cụ thể: mọi chi phí phát sinh trước khi hàng đặt trên boong tàu do người xuất khẩu chịu và mọi chi phí phát sinh sau khi hàng đặt trên boong tàu do người nhập khẩu chịu”

    Tuy nhiên trong ví dụ người viết nêu ra lại nói là:
    ./ bên Việt Nam phải chịu chi phí vận tải chuyển hàng ra cảng Hải Phòng + bốc hàng lên boong + cước vận tải biển
    ./ bên Mỹ chỉ phải chịu cước bốc hàng xuống và cước vận chuyển hàng từ Cảng ở Mỹ.

    Mình chưa đọc tài liệu nào khác về giá CIF nhưng mình thấy có điểm gì đó chưa rõ. Nếu theo mình hiểu sau khi đọc bài thì
    ./ FOB: lấy boong tàu làm điểm phân chia chi phí ở cảng bên xuất khẩu
    ./ CIF: laya boong tàu làm điểm phân chia chi phí ở cảng bên nhập khẩu.

    Mong người viết làm rõ hơn 🙂

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *