[Hướng dẫn] Tự học Xuất nhập khẩu từ con số 0 với Phạm Ngọc Anh > EximShark.Com

[Hướng dẫn] Tự học Xuất nhập khẩu từ con số 0 với Phạm Ngọc Anh

Viết một bài Hướng dẫn tự học Xuất nhập khẩu từ con số 0 đâu ra đấy là ấp ủ bấy lâu nay của mình mặc dù bạn có thể tìm thấy ngoài kia vô số bài viết, sách vở, giáo trình, khóa học…  Tuy nhiên chưa có nguồn thông tin nào thực sự bài bản, đáng tin cậy và cập nhật liên tục đúng không nào?

1.      Mục đích bạn tự học Xuất nhập khẩu?

Làm việc gì cũng thế, bước đầu tiên bạn cần xác định mục đích của việc tự học xuất nhập khẩu là để làm gì? Với mục đích khác nhau bạn sẽ có cách tiếp cận khác, học những phần kiến thức khác và lộ trình cũng khác nhau nha các bạn ^^.

Nếu bạn tự học để làm việc thì sẽ cần đi sâu về chuyên môn nghiệp vụ xuất nhập khẩu và rèn luyện các kỹ năng để làm xuất nhập khẩu giỏi, tuy nhiên nếu bạn tự học để thành lập công ty xuất nhập khẩu thì lại chỉ cần hiểu bao quát các nghiệp vụ nhưng phải đi sâu vào các vấn đề pháp lý, thuế và chi phí xuất nhập khẩu một lô hàng.

Xem thêm: [Hướng dẫn] Thủ tục thành lập công ty Xuất nhập khẩu

2.      Những ai có thể làm Xuất nhập khẩu?

Có nhiều học viên tham gia các khóa đào tạo tại trung tâm LAPRO của mình trước đây tốt nghiệp ngành Nông nghiệp, Thủy lợi, Luật, Giao thông… thậm chí có những bạn đã đi du học về nước nhưng lại muốn làm Xuất nhập khẩu. Vậy những ai có cơ hội để gia nhập ngành Xuất nhập khẩu và những ai có cơ hội thành công nhiều hơn? Tất nhiên khi bạn theo học các chuyên ngành càng ít liên quan đến Thương mại Quốc tế thì bạn càng cần học tập nhiều kiến thức hơn nhưng kinh nghiệm bản thân mình cho thấy chỉ cần tốt nghiệp khối ngành Kinh tế và Ngoại ngữ (bao gồm: Kế toán, Tài chính, Marketing, Nhân sự, Thống kê, Tiếng Anh, Tiếng Trung, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng…) thì đều rất dễ dàng bắt đầu với một việc làm trong ngành Xuất nhập khẩu.

Sau khi tốt nghiệp, ngoài việc có tấm bằng đúng ngành Thương mại Quốc tế thì mình cũng không hơn các bạn học trái ngành được mấy trên con đường cạnh tranh việc làm. Đây cũng là lý do vì sao rất nhiều công ty Xuất nhập khẩu sẵn sàng bỏ chút thời gian đào tạo nhân viên mới khi tuyển dụng người trái ngành vào làm.

Xem thêm: Đúng ngành và Trái ngành làm Xuất nhập khẩu, cơ hội của bạn đến đâu?

3.      Yêu cầu công việc?

Trước tiên, bạn nên tìm hiểu có các vị trí công việc nào trong ngành, bạn quan tâm đến vị trí nào; các khía cạnh khác như mức thu nhập, khả năng thăng tiến, khả năng chuyển đổi công việc cũng rất cần được xem xét ngay từ giai đoạn này.

Mỗi vị trí công việc có những yêu cầu khác nhau như thế nào? Và để làm được hầu như mọi vị trí công việc trong ngành thì bạn cần phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng như thế nào?

Bạn nên dành 1-2 ngày thậm chí nhiều hơn để tìm kiếm và đọc kỹ hàng chục yêu cầu tuyển dụng khác nhau của ngành Xuất nhập khẩu để có cái nhìn khái quát và đầy đủ nhất về các công việc mà bạn có thể sẽ đảm nhận.

Sau khi tìm kiếm thông tin và trả lời các câu hỏi trên bạn sẽ tự đánh giá được mình đang ở vị trí nào trên thang đo khả năng làm nghề, bạn cần những gì để bước lên các nấc thang bên trên và tương lai bạn có thể ở vị trí nào trên thang đo đó.

Ví dụ bạn nhận thấy mình đã có kiến thức chuyên ngành Xuất nhập khẩu cơ bản nhưng chưa sâu, chỉ phù hợp với vị trí đơn giản như Nhân viên chứng từ vậy bạn cần thêm kỹ năng về ngoại ngữ và tìm kiếm đối tác để làm được vị trí Nhân viên Purchasing.

Xem thêm: Công việc của một Nhân viên Xuất nhập khẩu là làm gì?

4.      Tài liệu tự học Xuất nhập khẩu?

Mặc dù tốt nghiệp ngành Thương mại Quốc tế nhưng quả thật trước đây mình cũng đã phải tự học rất nhiều ngoài những kiến thức được học tập trên trường, bạn biết vì sao không? Bởi vì trường học chỉ dạy các kiến thức hết sức cơ bản và có nhiều phần còn xa rời thực tế nữa.

Vào thời điểm năm 2009 không hề có bất cứ trung tâm đào tạo hay các website về xuất nhập khẩu như bây giờ vì vậy mình chủ yếu học tập qua sách và giáo trình. Ở hiện tại, rõ ràng bạn có nhiều lựa chọn nhưng cũng vì thế mà thông tin trở nên quá tải, rời rạc hoặc thiếu chính xác.

Học thì dễ nhưng làm sao để trong thời gian nhanh nhất bạn có khả năng trúng tuyển cao hoặc điều hành công ty Xuất nhập khẩu hiệu quả thì lại là một vấn đề đau đầu. Để đảm bảo hiệu quả bạn cần tìm cho mình nguồn tài liệu tự học xuất nhập khẩu đầy đủ, bài bản và cập nhật nhất.

Xem thêm: Bộ tài liệu Xuất Nhập Khẩu Thực Chiến Phạm Ngọc Anh

5.      Tự học Xuất nhập khẩu có chọn lọc

(i) bạn chọn một vị trí công việc mà mình muốn để bắt đầu vào nghề;

(ii) xác định các kiến thức và kỹ năng cần có để làm được công việc đó;

(iii) sử dụng nguồn tài liệu bài bản và đáng tin cậy để HỌC TẬP các kiến thức cần thiết và THỰC HÀNH các kỹ năng liên quan theo hướng chuẩn bị nhiều nhất các kiến thức và kỹ năng mà công việc đó có thể cần đến.

Thực hiện cách thức tự học như thế, bạn hoàn toàn có thể sẵn sàng ứng tuyển để theo đuổi công việc ngành xuất nhập khẩu trong thời gian ngắn mà không phải mất đến vài tháng để học tập và cố gắng nhớ hết khối kiến thức khổng lồ trong khi thực ra bạn chưa cần sử dụng đến ở thời điểm hiện tại.

Xem thêm: 4 kỹ năng quan trọng để làm Xuất nhập khẩu giỏi từ góc nhìn của người nhiều kinh nghiệm

6.      Tạm kết

Sau khi đã đọc hết phần Hướng dẫn tự học Xuất nhập khẩu từ con số 0 trên đây chắc hẳn bạn đã cảm thấy dễ dàng hơn để có bước khởi đầu thuận lợi và cũng tự tin hơn vào lựa chọn của bản thân.

Bằng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, đội ngũ EximShark.Com hy vọng có thể đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình học tập và làm Xuất nhập khẩu thực tế của bạn sau này. Hãy bắt đầu ngay thôi!


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *