[Hướng dẫn] Cách xác định Trị giá tính thuế xuất nhập khẩu? > EximShark.Com

[Hướng dẫn] Cách xác định Trị giá tính thuế xuất nhập khẩu?

Bình thường khi thực hiện 1 thương vụ bạn có rất nhiều con số như: trị giá hợp đồng, trị giá Invoice, trị giá tính thuế. Hơn nữa 1 lô hàng xuất nhập khẩu có thể phải chịu nhiều loại thuế khác nhau như: thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đăc biệt… Vậy thật ra các loại thuế đó được tính toán như thế nào? Tiếp theo chuỗi bài về Thuế xuất nhập khẩu, hôm nay mình tiếp tục chia sẻ về cách xác định trị giá tính thuế xuất nhập khẩu các bạn nhé.

1.      Trị giá tính thuế xuất khẩu (trị giá hải quan hàng xuất khẩu)

Về bản chất, bạn phải tính thuế cho lô hàng xuất khẩu vào thời điểm lô hàng ở cửa khẩu xuất (ranh giới cuối cùng để hàng ra khỏi nước xuất khẩu). Vậy giá trị của lô hàng vào thời điểm ấy là gì – đơn giản nhất chính là giá FOB (giá trị tính đến thời điểm hàng được đặt trên boong tàu).

Áp dụng:

24/VBHN-BTC(2018)        Hợp nhất Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan          06/09/2018

Điều 20. Nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan

1. Trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế, được xác định theo trình tự các phương pháp sau:

a) Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất bao gồm giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu phù hợp với chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa;

b) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;

c) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;

d) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất.

1a. Cửa khẩu xuất được xác định như sau:

a) Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu xuất là cảng xếp hàng, nơi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải ghi trên tờ khai hải quan.

b) Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu xuất là địa điểm xếp hàng tại cửa khẩu đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan.

c) Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu xuất là cửa khẩu biên giới nơi xuất khẩu hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các chứng từ khác có liên quan.

Ví dụ:

Nếu lô hàng xuất khẩu với giá FOB 5000USD, thuế suất hàng xuất khẩu 5%. Vậy số tiền thuế xuất khẩu phải nộp là: 5000*5%=250USD.

2.      Trị giá tính thuế nhập khẩu (trị giá hải quan hàng nhập khẩu)

Về bản chất, bạn phải tính thuế cho lô hàng nhập khẩu vào thời điểm lô hàng ở cửa khẩu nhập (ranh giới đầu tiên để hàng vào nước nhập khẩu). Vậy giá trị của lô hàng vào thời điểm ấy là gì – đơn giản nhất chính là giá CIF (giá trị tính đến thời điểm hàng được đặt trên boong tàu ở cảng nhập khẩu).

Áp dụng:

24/VBHN-BTC(2018)        Hợp nhất Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan          06/09/2018

Điều 20. Nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan

2. Trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên trên cơ sở áp dụng Hiệp định chung về thuế quan và thương mại hoặc theo các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết. Cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định như sau:

a) Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu nhập đầu tiên là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn;

b) Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu nhập đầu tiên là ga đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan;

c) Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu nhập đầu tiên là cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam ghi trên tờ khai hải quan.

c) Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu nhập đầu tiên là cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam ghi trên tờ khai hải quan”.

Ví dụ:

Nếu lô hàng nhập khẩu với giá CIF 5000USD, thuế suất hàng nhập khẩu 5%. Vậy số tiền thuế nhập khẩu phải nộp là: 5000*5%=250USD.

3.      Trị giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)

Về bản chất, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính sau thời điểm nhập khẩu (sau khi hàng đã vào lãnh thổ Việt Nam) do đó giá tính thuế TTĐB là giá trị của lô hàng sau khi đã chịu thuế nhập khẩu (nếu có).

Áp dụng:

108/2015/NĐ-CP              Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt               28/10/2015

Điều 4. Giá tính thuế

2. Đối với hàng nhập khẩu tại khâu nhập khẩu, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu.

Giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm.

Ví dụ:

Nếu lô hàng nhập khẩu với giá CIF 5000USD, số tiền thuế nhập khẩu phải nộp là 250USD, thuế suất thuế TTĐB 5%. Vậy tổng số tiền thuế TTĐB phải nộp là: (5000+250)*5%=262.50USD.

4.      Trị giá tính thuế VAT hàng nhập khẩu

Về bản chất, thuế VAT là thuế đánh trên người tiêu dùng hoặc người sản xuất và được thu gián tiếp tại khâu nhập khẩu. Do đó giá trị của hàng hóa tại thời điểm tính thuế VAT là giá trị sau khi đã chịu thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Áp dụng:

13/2008/QH12   LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG     03/06/2008

Điều 7. Giá tính thuế

1. Giá tính thuế được quy định như sau:

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.

Ví dụ:

Nếu lô hàng nhập khẩu với giá CIF 5000USD, số tiền thuế nhập khẩu phải nộp là 250USD, số tiền thuế TTĐB phải nộp là 262.50USD, thuế suất thuế VAT 10%. Vậy tổng số tiền thuế VAT phải nộp là: (5000+250+262.50)*10%=551.25USD.

5.      Tạm kết

Với hàng xuất khẩu việc tính thuế có vẻ đơn giản nhưng với hàng nhập khẩu thì công việc phức tạp hơn nhiều. Đối với trường hợp hàng nhập khẩu phải chịu nhiều loại thuế, bạn chỉ cần nhớ tính thuế nhập khẩu đầu tiên và tính thuế VAT cuối cùng nhé ^^.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *