Các loại thuế xuất nhập khẩu 1 lô hàng phải chịu? > EximShark.Com

Các loại thuế xuất nhập khẩu 1 lô hàng phải chịu?

Ban đầu hầu như mọi người đều nghĩ thuế Xuất nhập khẩu đối với 1 lô hàng có 2 loại là thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu. Cũng đúng! Về cơ bản là vậy! Tuy nhiên trên thực tế 1 lô hàng Xuất nhập khẩu có thể phải chịu nhiều loại thuế hơn thế tùy thuộc vào các chính sách thuế/ chính sách ngoại thương áp dụng đối với mặt hàng đó. Hôm nay mình làm 1 bài chia sẻ chi tiết luôn, các bạn theo dõi phía dưới nhé.

1.      Thuế đối với hàng xuất khẩu

Thuế xuất khẩu là loại thế đánh vào những mặt hàng mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ muốn hạn chế xuất khẩu nhằm bình ổn giá một số mặt hàng trong nước, hoặc có thể nhằm bảo vệ nguồn cung trong nước của một số mặt hàng…

Áp dụng:

9744/TCHQ-TXNK(2016) V/v hướng dẫn kê khai mã số hàng hóa và thuế suất để thực hiện Biểu thuế XK theo quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP

1. Hàng hóa xuất khẩu được quy định tên cụ thể bao gồm mô tả và mã hàng chi tiết ở cấp độ 8 chữ số hoặc 10 chữ số tại Biểu thuế xuất khẩu (Phụ lục I) ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này thì người nộp thuế kê khai mã hàng và mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho từng mã hàng tại Biểu thuế xuất khẩu.

2. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không được quy định tên cụ thể trong Biểu thuế xuất khẩu, không thuộc trường hợp quy định tại điểm 3, 4 dưới đây thì người nộp thuế kê khai trên Tờ khai xuất khẩu như sau:

– Tại chỉ tiêu “Mã số hàng hóa”: khai mã hàng của hàng hóa xuất khẩu tương ứng với mã hàng 08 chữ số của mặt hàng đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP;

– Tại chỉ tiêu “Thuế suất”: bỏ trống, không khai.

2.      Thuế đối với hàng nhập khẩu

2.1.      Thuế nhập khẩu

Thuế nhập khẩu là loại thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu nhằm tăng thu cho ngân sách hoặc bảo hộ cho các lĩnh vực sản xuất then chốt…

a.      Thuế nhập khẩu ưu đãi

Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc (MFN/WTO) trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Áp dụng:

107/2016/QH13 LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Điều 5. Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm

3. Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường và được áp dụng như sau:

a) Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc (MFN/WTO) trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Ví dụ:

Mặt hàng phế liệu gang đúc mã HS 72041000 có xuất xứ Đài Loan sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3% (không áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt do Đài Loan chưa có hiệp định thương mại với Việt Nam; không áp dụng mức thuế suất thông thường do Đài Loan cũng là thành viên WTO và được Việt Nam thực hiện đối xử tối huệ quốc).

b.      Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

Áp dụng:

107/2016/QH13 LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Điều 5. Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm

3. Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường và được áp dụng như sau:

b) Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

Ví dụ:

Mặt hàng phế liệu gang đúc mã HS 72041000 có xuất xứ Trung Quốc sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định thương mại ACFTA (Asean – Trung Quốc).

c.      Thuế nhập khẩu thông thường

Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật này để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường.

Áp dụng:

107/2016/QH13 LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Điều 5. Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm

3. Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường và được áp dụng như sau:

c) Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật này để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường.

Ví dụ:

Mặt hàng phế liệu gang đúc mã HS 72041000 có xuất xứ Triều Tiên sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường (do Triều Tiên chưa được công nhận là thành viên WTO, không được hưởng chế độ tối huệ quốc).

2.2.      Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)

Thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ không thật sự cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của con người đồng thời có những tác hại nhất định đến người sử dụng, môi trường và xã hội. Thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Áp dụng:

27/2008/QH12 LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Điều 2.  Đối tượng chịu thuế

1. Hàng hóa:

a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;

b) Rượu;

c) Bia;

d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;

đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;

e) Tàu bay, du thuyền;

g) Xăng các loại;

h) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;

i) Bài lá;

k) Vàng mã, hàng mã.

2.3.      Thuế bảo vệ môi trường (BVMT)

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Áp dụng:

57/2010/QH12 LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Điều 3. Đối tượng chịu thuế

1. Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:

a) Xăng, trừ etanol;

b) Nhiên liệu bay;

c) Dầu diezel;

d) Dầu hỏa;

đ) Dầu mazut;

e) Dầu nhờn;

g) Mỡ nhờn.

2. Than đá, bao gồm:

a) Than nâu;

b) Than an-tra-xít (antraxit);

c) Than mỡ;

d) Than đá khác.

3. Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC).

4. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế.

5. Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

6. Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

7. Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

8. Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

9. Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

2.4.      Thuế giá trị gia tăng (VAT)

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Áp dụng:

13/2008/QH12 LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Điều 3. Đối tượng chịu thuế

Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.

2.5.      Thuế chống bán phá giá

Thuế chống bán phá giáthuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Áp dụng:

107/2016/QH13 LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Điều 12. Thuế chống bán phá giá

1. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:

a) Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;

b) Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

2.6.      Thuế chống trợ cấp

Thuế chống trợ cấpthuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Áp dụng:

107/2016/QH13 LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Điều 13. Thuế chống trợ cấp

1. Điều kiện áp dụng thuế chống trợ cấp:

a) Hàng hóa nhập khẩu được xác định có trợ cấp theo quy định pháp luật;

b) Hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

2.7.      Thuế tự vệ

Thuế tự vệthuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Áp dụng:

107/2016/QH13 LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Điều 14. Thuế tự vệ

1. Điều kiện áp dụng thuế tự vệ:

a) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

b) Việc gia tăng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điểm a Khoản này gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

3.      Tạm kết

Bạn cần phải dự tính các loại thuế mà lô hàng phải chịu ngay từ khi lên kế hoạch xuất nhập khẩu. Sau khi xác định các loại thuế mà lô hàng phải chịu theo hướng dẫn trên thì bạn cần xác định tiếp trị giá tính thuế và thuế suất để tính toán số tiền thuế phải nộp.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *